Chiều nay, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 4 mạng di động trúng tuyển giấy phép 3G gồm: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Liên doanh EVN Telecom và HT Mobile. Tổng số tiền mà các doanh nghiệp này đặt cọc khi tham gia thi tuyển là 8.100 tỷ đồng. Hai mạng di động còn lại bị loại khỏi cuộc chơi trong số 7 đơn vị tham gia thi tuyển là S-Fone và Gtel. Các doanh nghiệp này theo gợi ý của Bộ Thông tin và Truyền thông là có thể hợp tác với các mạng di động đã trúng tuyển theo hình thức liên doanh, dùng chung cơ sở hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ 3G ở băng tần khác. Giấy phép 3G cấp cho 4 doanh nghiệp lần này là tiêu chuẩn IMT-2000 trong băng tần số 1900-2200 MHz. Theo Vụ trưởng Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải, tổng số tiền 4 doanh nghiệp di động trúng tuyển cam kết đầu tư cho 3G trong 3 năm tới vào khoảng 33.822 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD. Các doanh nghiệp trúng tuyển sẽ có 3 tháng chuẩn bị tài chính và đặt cọc bảo lãnh thực hiện các cam kết. Sau khi hoàn tất đặt cọc, các doanh nghiệp sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thiết lập mạng và cấp phép tần số với thời hạn 15 năm để triển khai cung cấp dịch vụ. Tổng số tiền 4 doanh nghiệp di động trúng tuyển cam kết đặt cọc là 8.100 tỷ đồng. Tại cuộc họp báo chiều nay, Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cũng công bố trong số 4 doanh nghiệp trúng tuyển, doanh nghiệp cam kết cung cấp dịch vụ 3G sớm nhất là một tháng sau khi được giấy phép (không tính thời gian 3 tháng chuẩn bị tài chính đặt cọc) và doanh nghiệp cam kết cung cấp dịch vụ muộn nhất là sau 9 tháng. Về vùng phủ sóng, doanh nghiệp cam kết thấp nhất là 46% dân số và doanh nghiệp cam kết cao nhất là 86% dân số. Còn về tốc độ truy cập, các doanh nghiệp cam kết tốc độ thấp nhất ở nông thôn là 144 Kbps và 380 Kbps ở thành thị, có doanh nghiệp cam kết mức cao nhất là 20 Mbps. Hiện cả nước có khoảng 30.000 trạm BTS và số lượng trạm thu phát sóng này sẽ được nâng lên gấp đôi khi các doanh nghiệp triển khai công nghệ 3G. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay sau khi tiến hành cấp phép, Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thiết lập mạng và dịch vụ viễn thông 3G của các doanh nghiệp theo đúng hồ sơ và cam kết của doanh nghiệp trong hồ sơ thi tuyển. Cơ quan này đã ban hành quy chế đặt cọc, kiểm tra và xử phạt khi triển khai mạng 3G. Quy chế này quy định chi tiết các mức phạt và cách thức xử lý với doanh nghiệp thực hiện theo cam kết. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử phạt hoặc thậm chí tước giấy phép 3G. “Trong 24 tháng, nếu doanh nghiệp nào không triển khai dịch vụ theo đúng cam kết và phủ sóng tới 10% dân số sẽ bị thu hồi giấy phép”, ông Thắng nói. Trao đổi với VnExpress.net bên lề buổi công bố kết quả thi tuyển giấy phép 3G chiều nay, cả 4 doanh nghiệp trúng tuyển đều có chung tâm trạng mừng và lo. Mừng vì đây là lần đầu tiên tham dự cuộc thi và trúng tuyển, lo vì áp lực quá lớn về cam kết số tiền đặt cọc, khả năng triển khai. Phía Viettel cho rằng áp lực lớn sẽ khiến sức bật của doanh nghiệp cao hơn. Viettel cam kết trong 3 năm sẽ đầu tư 12.789 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng 3G, cao nhất trong tất cả các doanh nghiệp và gấp gần 1,5 lần doanh nghiệp cam kết đứng thứ hai là VNPT (với 9.556 tỷ đồng). Vettel cũng là doanh nghiệp cam kết mức đặt cọc cao nhất với 4.500 tỷ đồng, gấp 3 lần số tiền đặt cọc của VNPT và VMS (theo số liệu công bố tại thời điểm nhận và mở hồ sơ thi tuyển). Giám đốc Công ty Viettel Telecom Hoàng Sơn khẳng định: “Chúng tôi sẽ sử dụng ngay chuẩn HSPA (3,75G) và tại thời điểm khai trương dịch vụ 3G, Viettel có 5.000 trạm và phủ sóng khoảng 86% dân cư”. MobiFone cũng cam kết sẽ phủ sóng 3G tới 100% các đô thị trên 63 tỉnh thành. Mạng di động lớn nhất VN hiện nay tuyên bố sẽ là nhà cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên trong 3 tháng sau khi được cấp phép. Trong vòng một năm kể từ ngày cấp phép, MobiFone cam kết sẽ phủ sóng 3G tới 100% đô thị thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước, và trong 3 năm sẽ phủ sóng 3G tới 98% dân số. Và theo cấp độ ưu tiên giảm dần, MobiFone sẽ tiến hành phủ sóng 3G từ đô thị đông dân, đô thị, ngoại ô, nông thôn và tuyến quốc lộ. Để tiết kiệm kinh phí đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai 3G, trong năm đầu tiên, MobiFone sẽ dùng chung 100% cơ sở hạ tầng mạng 2G hiện có. Việc dùng chung cơ sở hạ tầng 2G có thể giúp khách hàng MobiFone tiếp cận dịch vụ 3G trong khoảng thời gian ngắn nhất và kinh phí hợp lý nhất. Cơ sở hạ tầng hiện có như nhà trạm, cột ăng ten, thiết bị truyền dẫn kết nối mạng lõi của 2G sẽ được "trưng dụng" cho 3G. “Với cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và kinh nghiệm khai thác vận hành mạng lưới 2G có chất lượng tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục cam kết khách hàng sẽ được dùng dịch vụ 3G tốt nhất với MobiFone. Chúng tôi đang nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ cung cấp dịch vụ tới khách hàng, có thể sẽ giới thiệu ngay một dịch vụ mới trước thời hạn cam kết", ông Đỗ Vũ Anh, Phó giám đốc Công ty VMS-MobiFone, nhấn mạnh. 3G là viết tắt của “third generation”, tức “thế hệ thứ 3” nhằm chỉ công nghệ di động thế hệ thứ ba - công nghệ được xem là cuộc cách mạng thay đổi mạng dịch vụ di động băng hẹp truyền thống chuyển sang các dịch vụ băng rộng đa phương tiện (bao gồm video, Internet di động và thương mại điện tử di động) với tốc độ truy cập mạnh mẽ, giúp người dùng có thể thực hiện cuộc gọi điện thoại có hình, xem phim hoặc truyền hình trực tiếp từ di động. Công nghệ HSPA (High Speed Packet Access) hay còn được gọi là công nghệ 3,75G. Nghĩa là, nếu công nghệ 3G có tốc độ đường truyền đạt 2 Mbps thì công nghệ 3,75G có tốc độ đường truyền lên tới 7,2 Mbps. Với chuẩn HSPA tốc độ truy cập dịch vụ Internet di dộng của Viettel sẽ đạt mức tối thiểu là 2 Mbps tại khu vực thành phố - cao hơn 5 lần so với yêu cầu của Bộ đưa ra (384 Kbps). Hồ sơ thi tuyển 3G của các doanh nghiệp phải trải qua 2 vòng (sơ tuyển và xét tuyển). Vòng sơ tuyển là đánh giá chất lượng hồ sơ theo khoảng 11 tiêu chí. Vòng xét tuyển với 5 tiêu chí là: vùng phủ sóng, thời gian triển khai nhanh; tiền đặt cọc và cam kết sử dụng chung hạ tầng của mạng 2G... Mức tổng điểm cao nhất được đưa ra là thang điểm 1.000. Hồng AnhNgười tiêu dùng có cơ hội được sử dụng nhiều dịch vụ cộng thêm trên nền công nghệ 3G. Ảnh: Hoàng Hà.
(theo VnExpress)
Giấy phép 3G đã có chủ
Apr 2, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment