Quang DD

34 năm đất nước thống nhất

Apr 30, 2009


30/04/2009 0:23 
Cầu Nguyễn Văn Cừ - ảnh: Diệp Đức Minh 

TP.HCM hướng về tương lai

TP.HCM chào mừng 34 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng 2 sự kiện: Lễ triển khai nạo vét luồng Soài Rạp và Lễ thông xe cầu - đường Nguyễn Văn Cừ. Đó là 2 trong số rất nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã được xây dựng sau 34 năm ngày thống nhất đất nước. Những công trình đã và đang tiếp tục làm thay đổi diện mạo thành phố, đem lại lợi ích to lớn cho người dân.

Phát triển về  hướng đông

Soài Rạp là một luồng tàu thứ hai sau luồng sông Lòng Tàu, cho tàu biển có trọng tải lớn ra vào cụm cảng TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang.

 Sự kiện triển khai nạo vét luồng Soài Rạp mở ra một triển vọng phát triển TP mạnh mẽ hơn nữa về phía biển Đông, đồng thời để thành phố này vẫn là một đô thị cảng quan trọng của cả nước và khu vực hiện nay và trong tương lai.

 Thực tế từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, hàng loạt những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục tiêu phát triển hướng ra biển Đông đã được đầu tư như Khu chế xuất Tân Thuận, đô thị mới Phú Mỹ Hưng, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Hiệp Phước, đường Nguyễn Hữu Thọ (đường trục Bắc - Nam) và tương lai sẽ hình thành một khu đô thị cảng hiện đại tại Hiệp Phước nằm sát bờ sông Soài Rạp, huyện Nhà Bè. 

Trong khu vực này hiện nay có Cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) đã được xây dựng và dự kiến quý 4 năm nay sẽ đưa vào khai thác. "Cảng SPCT đã được đầu tư đáng kể với nguồn vốn hơn 200 triệu USD và điều đó góp phần chứng minh rằng chúng tôi luôn tự tin về tương lai của nền kinh tế Việt Nam" - ông Anil Wats, đại diện Tập đoàn DP World - nhà khai thác cảng biển lớn nhất thế giới - đã phát biểu như vậy tại buổi lễ triển khai nạo vét luồng Soài Rạp.

Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cũng đang được chuẩn bị khởi công vào tháng 5 năm nay. Với yêu cầu phát triển kinh tế của TP.HCM và các vùng phụ cận, các cảng trên địa bàn Hiệp Phước phải đảm bảo công suất 4 triệu Teus/năm (tương đương khoảng 60 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng/năm) vào năm 2010 và 15 triệu Teus/năm (khoảng 225 triệu tấn/năm) vào năm 2020.

Tăng năng lực  giao thông

 Tác động mạnh nhất là 15 KCN-KCX Nếu nói hạ tầng theo nghĩa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của thành phố theo tôi đó chính là 15 khu chế xuất - khu công nghiệp - khu công nghệ cao. 15 khu này đã giúp thành phố thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng, trong đó quan trọng nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố từ các ngành truyền thống sang các ngành công nghiệp và hiện nay là ngành công nghệ cao. Không chỉ thế, 15 khu này còn có tác dụng giải bài toán về môi trường, về không gian đô thị khi thực hiện di dời các nhà máy, các xí nghiệp, các công ty vào các khu chế xuất - khu công nghiệp - khu công nghệ cao. Có thể nói, đây là công trình hạ tầng có tác động lớn nhất, để lại dấu ấn mạnh nhất trong việc phát triển kinh tế của TP.HCM. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM (Nguyên Hằng ghi) 

Song song với việc khai thông và nạo vét luồng sông Soài Rạp, TP.HCM cũng đang nỗ lực phát triển mạng lưới giao thông trên bờ để kết nối với khu đô thị cảng Hiệp Phước. 

Trục đường Nguyễn Hữu Thọ hiện đã có 2 làn xe sẽ được mở rộng thành 4 làn xe vào cuối năm nay và dự kiến đến năm 2011 sẽ có 10 làn xe. Nguồn nước sạch cung cấp cho khu Hiệp Phước sẽ tăng từ 10.000m3/ngày hiện nay lên 30.000m3/ngày cũng vào cuối năm nay...

Và chỉ còn đúng 4 tháng nữa, ngày 1.9.2009, cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn từ Q.7 sang Q.2 sẽ hoàn thành. Chiếc cầu dây văng lớn nhất, đẹp nhất TP.HCM sẽ kết nối đại lộ Nguyễn Văn Linh với đường vành đai phía đông thành phố, tạo thành một trục giao thông quan trọng giữa ĐBSCL - TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. 

Cầu Nguyễn Văn Cừ thông xe đã mở ra một hướng lưu thông mới từ Q.1, Q.5 sang Q.4 và Q.8. Vui mừng nhất trước sự kiện này là những người dân phía Q.8 - một quận nằm sát trung tâm thành phố, nhưng từ nhiều năm qua chưa có điều kiện phát triển do địa bàn nhiều kênh rạch, giao thông cách trở. 

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hũ - rạch Bến Nghé đang được cải tạo để từ dòng kênh đen trở nên trong xanh như hơn 300 năm trước. Dự án Đại lộ Đông - Tây thành phố và hầm Thủ Thiêm - đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á đang chuẩn bị về đích, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1/2010. Dự án tuyến metro đầu tiên Bến Thành - Suối Tiên đang chuẩn bị khởi công xây dựng. Hàng loạt các dự án giao thông khác đang chuẩn bị triển khai như mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng mới cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội, xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - đường vành đai ngoài, xây dựng đường liên tỉnh lộ 25B giai đoạn 2, cầu đường Bình Triệu 2, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 2...

Hàng loạt công trình giao thông lớn vẫn đang tiếp tục được TP.HCM đầu tư, đó là những công trình đang nhanh chóng làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại.  

 Những công trình tiêu biểu trong 2 năm qua 

Cầu Calmette bắc qua rạch Bến Nghé, nối liền Q.1 và Q.4, tổng chiều dài trên 625m. 

Cầu Khánh Hội bắc qua rạch Bến Nghé, nối Q.1 và Q.4, dài 210m. 

Cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hũ nối liền Q.5 và Q.8, tổng chiều dài gần 350m. 

Cầu Nguyễn Văn Cừ bắc qua rạch Bến Nghé và kênh Tẻ, nối liền Q.1 - Q.4 - Q.5 - Q.8, chiều dài cầu 1.802,4m 

Cầu Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn nối liền Q.Bình Thạnh và Q.2, chiều dài cầu chính 700,2m, khổ cầu 28m (6 làn ô tô 3,5m), giai đoạn 1 đã hoàn thành năm 2008. 

Cầu Công Lý bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nối liền Q.3 và Q.Phú Nhuận, gồm 2 cầu độc lập song hành, đã hoàn tất đã đưa vào sử dụng năm 2008. Hầm chui Tân Tạo chui dưới quốc lộ 1A đoạn trước KCN Tân Tạo, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. 

Cầu Kênh Ngang số 3 trên đường Bến Bình Đông (Q.8), đã hoàn thành năm 2007, cầu dài 386,1m. 

Cầu Tân Thuận 2 bắc qua kênh Tẻ, nối Q.4 và Q.7, khổ cầu tổng cộng 11,5m, chiều dài 420,9m, đưa vào sử dụng cuối năm 2007. 

Đường trục Bắc Nam giai đoạn 2 (từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm), đã thông xe và đưa vào sử dụng ngày 29.4.2009. Chiều dài tuyến 7,125 km. 

Đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa đang thi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2009, nối từ đường Trường Sơn đến Điện Biên Phủ, dài 3,8 km, tổng mức đầu tư 852,178 tỉ đồng. 

Cầu dây văng Phú Mỹ đang thi công, tổng chiều dài trên 2 km, trong đó phần cầu chính dài 705m, rộng 27,5m (6 làn xe); cầu dẫn và đường phía Q.2 rộng 26,2m, mỗi cầu nhánh rộng 9,25m. 

Đường vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc, đang thi công, tổng chiều dài 8,752 km. 

Công trình mở rộng tỉnh lộ 10 (từ ranh tỉnh Long An đến cầu Tân Tạo, huyện Bình Chánh): đang thi công, tổng chiều dài 8,199 km. 

Công trình tỉnh lộ 10B song hành tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân, từ cầu Tân Tạo đến đường Tên Lửa, đang thi công, chiều dài: 5,83 km. 

Đại lộ Đông-Tây, hầm Thủ Thiêm đang thi công và đã hoàn thành một số hạng mục, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào quý 1/2010.

Nguyễn Đình Mười 
(tổng hợp từ nguồn Phòng Quản lý giao thông - Sở GTVT)

Mai Vọng (Theo TNO)

0 comments: